Trang chủ Thời sự y khoa Những tác dụng trị bệnh bất ngờ từ cam

Những tác dụng trị bệnh bất ngờ từ cam

SKĐS – Cam là một trong những loại trái cây có múi quen thuộc. Cam ăn mát bổ, tăng cường sức khỏe, có nhiều dưỡng chất và còn là vị thuốc quý giúp phòng, trị nhiều bệnh…

1. Công dụng của cam

Theo Y học cổ truyền:

 Quả cam có vị ngọt chua, tính mát; có tác dụng giải khát, sinh tân dịch, mát phổi, tiêu đờm, thanh nhiệt và lợi tiểu.

– Vỏ quả cam có vị cay, mùi thơm, có tác dụng tiêu đờm, thông khí trệ, giúp tiêu hóa. Vỏ cam hàm lượng caroten nhiều, 0,93 – 1,95% tinh dầu, có thể dùng làm thuốc kiện tỳ và điều tiết hương thơm. Tác dụng khoan hung, giáng khí, chữa ho, tan đờm… có hiệu nghiệm với viêm phế quản mạn tính.

Vỏ quả cam có thể dùng thay vỏ quýt nhưng tác dụng kém hơn, làm thuốc kích thích tiêu hóa, chữa đau bụng, đầy bụng, ợ chua, đi ngoài.

Vỏ tươi dùng xát vào mặt hỗ trợ điều trị mụn trứng cá. Uống nước vỏ cam nấu chín có tác dụng làm tăng nhu động ruột, chống bệnh táo bón…

Bên cạnh đó, người ta có thể dùng vỏ cam phơi khô, sau đó cho vào túi thơm, treo trong phòng ngủ, nhà bếp hoặc tủ quần áo; có tác dụng kích thích ngủ ngon giấc, đuổi muỗi, làm sạch không khí.

– Vỏ cây cam vị ngọt, hơi the, tính mát; có tác dụng hạ khí đầy, điều hòa tỳ vị.

– Lá cam dùng chữa tai chảy nước vàng hay máu mủ. Lá cam thường dùng cất tinh dầu và nước cất hoa cam dùng pha chế thuốc.

Thành phần hóa học của cam: Trong cam tươi có nước 87,5%, protid 0,9%, glucid 8,4%, acid hữu cơ 1,3%, cellulose 1,6%, calcium 34mg%, sắt 23mg%, caroten 0,4mg%, vitamin C 40mg%. Quả là nguồn vitamin C, có thể tới 150mg trong 100g dịch.

Ở Ấn Độ, dịch quả cũng được dùng trong điều trị bệnh mật và tiêu chảy ra máu.

– Hạt cam: Hạt cam có thể dùng làm mặt nạ bằng cách lấy 2 thìa hạt cam cho vào máy xay nhuyễn, hòa lẫn với nước cất chế thành mặt nạ dạng hồ, dùng đắp mặt giúp nâng cao sức đề kháng của các mao mạch làn da, đạt mục đích co, se niêm mạc và da, hạn chế được mụn trứng cá. Tuần đắp 1-2 lần.

Hạt cam phơi khô dưới bóng râm mát đem rang vàng, sau đó tán bột hòa uống 3 – 5g với nước đun sôi để nguội giúp điều trị phong thấp.

2. Món ăn bài thuốc từ cam

– Chữa người nóng đơn đỏ chạy khắp người (phong ngứa mề đay dị ứng): Cam tươi vắt uống 1-2 quả mỗi ngày.

-Chữa tâm nóng bứt rứt, không yên (tâm quý): Cam tươi vắt uống 1-2 quả hoặc hơn.

-Chữa đại tiện táo, miệng khô khát: Cam tươi vắt uống 1-2 quả.

-Chữa nhiệt miệng: Cam tươi vắt uống 1-2 quả mỗi ngày.

Nhiều tài liệu còn cho biết, ăn cam giúp tăng cường miễn dịch cơ thể, giúp người bệnh nhanh phục hồi sức khỏe, nhanh lành vết thương, bổ sung chất xơ, có lợi cho tiêu hóa.

Lưu ý: Cam có vị chua, tính hàn không nên dùng với chứng tạng hàn hay lạnh bụng, đầy bụng, tiêu chảy; chứng đang cảm lạnh, ho đờm loãng, đờm nhiều; chứng tâm dương hư gặp lạnh hay hồi hộp “tâm quý”; chứng khi gió lạnh hay bị dị ứng ngứa gãi “biểu hàn”.

Những bệnh nhân mắc viêm ruột, viêm túi mật… nên thận trọng khi ăn cam.

Mặc dù, quả cam tốt cho sức khỏe, nhưng không nên lạm dụng. Không ăn cam khi bụng đói, không ăn chung với sữa.

Chia sẻ