Theo Bộ Y tế, ngày 26-6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 557 ca nhiễm mới đều ở trong nước tại 32 tỉnh, thành phố (có 476 ca trong cộng đồng); đang điều trị, giám sát 1.050.550 trường hợp, trong đó có 27 ca thở oxy. Số liệu trên cho thấy COVID-19 còn rất nguy hiểm, đang lây lan trong cả nước và có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Tuy nhiên người dân ở Đà Nẵng vẫn rất chủ quan, một số người không đồng ý tiêm vaccine COVID-19 mũi 4.
Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn còn lây lan trong cộng đồng, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã liên tục tổ chức các đợt tiêm vaccine mũi 4 cho người trên 18 tuổi và mũi 1,2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine đạt được vẫn còn rất khiêm tốn.
Để ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát trở lại, Sở Y tế thành phố đã yêu cầu các quận huyện, cơ sở y tế địa phương huy động toàn lực tổ chức các điểm tiêm chủng, vận động người dân ủng hộ công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 theo tinh thần “Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm với cộng đồng”.
Trong đợt tiêm chủng tổ chức từ ngày 15-30/6, quận Hải Châu đã triển khai tất cả 14 điểm tiêm chủng (13 điểm tại trạm y tế phường, 1 điểm tại Trung tâm Y tế quận Hải Châu). Tại mỗi điểm tiêm trạm y tế trung bình có khoảng 100 người đến tiêm, còn tại Trung tâm Y tế quận Hải Châu có gần 200 người/ngày đến tiêm.
Bác sĩ Trần Minh Hồi, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật- Trung tâm Y tế quận Hải Châu cho biết, để vận động người dân đến tiêm mũi 4 (đối với người trên 18 tuổi và trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi), đơn vị đã thông báo, gửi tin nhắn đến từng người dân trên hệ thống, và đề nghị các ban ngành, địa phương, trường học trên địa bàn quận thông báo, vận động người dân tham gia tiêm chủng.
Theo bác sĩ Hồi, việc tiêm chủng vaccine mũi 4 (người trên 18 tuổi) rất cần thiết, lý do là dịch COVID-19 vẫn còn lây lan trong cộng đồng, mỗi ngày vẫn có người nhiễm COVID-19.
“Vaccine COVID-19 sau khi tiêm một thời gian khoảng 4 -5 tháng sẽ giảm tác dụng, kháng thể trong cơ thể chống lại virus sẽ yếu dần. Do đó, tiêm vaccine mũi 4 là cách phòng, chống dịch bùng phát trở lại rất hữu hiệu”, bác sĩ Hồi nhận định.
Bác sĩ Trần Minh Hồi cho rằng, hiện nay một số người có quan điểm khi đã mắc COVID-19 thì cũng giống như tiêm mũi 4, và không cần thiết phải đi tiêm nữa. Tuy nhiên, đây là quan điểm chưa chính xác, bởi người mắc COVID-19 có nồng độ kháng thể không bền vững, liên tục dễ trở nặng nếu tiếp tục mắc bệnh.
Đến tiêm vaccine mũi 4 tại điểm tiêm Trung tâm Y tế quận Hải Châu, chị Trần Thị Thanh Loan (trú quận Hải Châu) cho biết, từ thực tế trong đợt dịch vừa qua ở gia đình của mình, chị đã thấy sự hiệu quả rõ rệt của vaccine.
“Tất cả các thành viên trong gia đình tôi đều từng mắc COVID-19. Tuy nhiên, do cả nhà đều tiêm 2, 3 mũi rồi nên bị nhẹ, cũng nhờ vaccine bị mà cũng lướt qua, không nguy hiểm đến tính mạng. Theo tôi, trước khả năng biến chủng mới xuất hiện, nếu không có sự bảo vệ của vaccine thì rất nguy hiểm”, chị Loan nói.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, thành phố Đà Nẵng có khoảng 243.400 người trên 18 tuổi trong nhóm đối tượng tiêm vaccine mũi 4. Tính đến ngày 23-6, toàn thành phố có khoảng 20.850 người đã tiêm mũi 4 vaccine phòng COVID-19 (chiếm tỷ lệ 8,6%).
Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Trương Văn Trình nhận định, trong đợt tiêm chủng lần này, số người tham gia chỉ đạt khoảng 9% so với kế hoạch. Có nhiều nguyên nhân khiến người dân ngại tiêm mũi 4, trong đó đáng lưu ý là người dân vẫn chưa hiểu rõ được vai trò cần thiết của việc tiêm vaccine mũi 4, có tâm lý chủ quan trong việc phòng, chống dịch.
Theo bác sĩ Trình, hiện nay bắt đầu xuất hiện nhiều trường hợp mắc COVID-19 lần 2 do kháng thể trong cơ thể không còn. Tiêm vaccine mũi 4 là cách chủ động phòng dịch hữu hiệu, để bảo vệ cơ thể và người thân trước dịch bệnh, ngăn ngừa tác hại của hậu COVID-19 đối với sức khỏe.
THỦY THANH
Nguồn: danang.gov.vn